Công ty Luật TNHH MTV Đức Tựu TPP

1900.0339 ducbdg@gmail.com
Công ty luật Đức Tựu

Điều kiện, thủ tục nhận nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài

Câu hỏi: Em đang ở Mỹ và bây giờ muốn về Việt Nam nhận cháu ruột làm con nuôi có được không ạ. Cháu em đang học ở Sài Gòn mà hộ khẩu của em ở Lagi. Nếu được nhận con nuôi thì thủ tục như thế nào ạ?

Trả lời:

   Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận Luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật Đức Tựu. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

I. Cơ sở pháp lý.

- Luật Nuôi con nuôi 2010;

Thông tư số 12/2011/TT-BTP;

- Thông tư số 24/2014/TT-BTP.

II. Nội dung tư vấn.

   Việc nuôi con nuôi nhằm xác lập quan hệ cha, mẹ và con lâu dài, bền vững,vì lợi ích tốt nhất của người được nhận làm con nuôi, bảo đảm cho con nuôi được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trong môi trường gia đình. Để có thể nhận nuôi con nuôi thì phải đáp ứng những điều kiện sau:

Thứ nhất, đối với người được nhận nuôi (Điều 8 Luật Nuôi con nuôi năm 2010):

-         Trẻ em dưới 16 tuổi

-         Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

           + Được cha dượng, mẹ kế nhận làm con nuôi;

           + Được cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận làm con nuôi.

-         Một người chỉ được làm con nuôi của một người độc thân hoặc của cả hai người là vợ chồng.

Như vậy, bé phải đáp ứng các điều kiện trên mới có thể được nhận làm con nuôi.

Thứ hai, điều kiện của người nhận nuôi con nuôi:

   Theo khoản 1 Điều 29 Luật Nuôi con nuôi thì người nước ngoài thường trú ở nước ngoài nhận người Việt Nam làm con nuôi phải có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật nước nơi người đó thường trú và quy định tại Điều 14 của Luật Nuôi con nuôi:

"Người nhận con nuôi phải có đủ các điều kiện sau đây:
- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
- Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên;
- Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi;
-  Có tư cách đạo đức tốt.
- Không thuộc trường hợp không được nhận nuôi con nuôi."

   Như vậy, ngoài việc đáp ứng các điều kiện theo quy định trên thì người nước ngoài muốn nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi còn phải đáp ứng các điều kiện theo pháp luật của nước nơi người đó cư trú.

Thứ ba, thuộc trường hợp nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài (Điểm b khoản 2 Điều 28 Luật Nuôi con nuôi năm 2010): 

   "Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được nhận con nuôi đích danh trong các trường hợp sau đây: Là cô, cậu, dì, chú, bác ruột của người được nhận làm con nuôi;"

   Như vậy, khi đáp ứng được các điều kện trên, bạn có thể làm thủ tục để nhận cháu ruột mình làm con nuôi.

Về hồ sơ nhận nuôi con nuôi:

STT

 Tên giấy tờ

 Hình thức

 Ghi chú

1

Đơn xin nhận con nuôi

(mẫu số TP/CN-2014/CN.02 Thông tư số 24/2014/TT-BTP)

Bản chính

Đơn xin nhận con nuôi phải dán ảnh, có chữ ký của người nhận con nuôi ở cuối và ghi ngày tháng năm lập đơn

2

Hộ chiếu, giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ có giá trị thay thế như thẻ căn cước công dân

- Bản sao chứng thực

- Hoặc bản sao

Người nộp hồ sơ phải xuất trình bản chính kèm với bản sao. Người tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm đối chiếu giữa bản sao với bản chính và ký xác nhận

3

Phiếu lý lịch tư pháp

Bản chính hoặc bản sao chứng thực

Được cấp chưa quá 06 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ.

4

Văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân

4.1

Giấy chứng nhận kết hôn hoặc trích lục kết hôn (đối với trường hợp cặp vợ chồng nhận con nuôi)

Bản sao chứng thực

Đối với trích lục kết hôn là bản sao trích lục kết hôn theo quy định của pháp luật hộ tịch

4.2

Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (đối với trường hợp người độc thân nhận con nuôi)

Bản chính hoặc bản sao chứng thực

Được cấp chưa quá 06 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ.

5

Giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp

Bản chính hoặc bản sao chứng thực

Được cấp chưa quá 06 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ.

6

Văn bản xác nhận hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế

Bản chính

Văn bản phải được lập theo tờ khai hoàn cảnh gia đình của người nhận con nuôi (mẫu số TP/CN-2011/CN.06 - Thông tư số 12/2011/TT-BTP) và phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người nhận con nuôi thường trú về các thông tin đã khai.

7

Tài liệu chứng minh thuộc trường hợp được xin đích danh quy định tại khoản 2 Điều 28 của Luật này.


   Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do quý khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết được vấn đề hoặc/và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng.    
   Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 1900.0339 hoặc gửi qua mail: luatductuu@gmail.com để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Đức Tựu.
   Rất mong nhận được sự hợp tác!