Công ty Luật TNHH MTV Đức Tựu TPP

1900.0339 ducbdg@gmail.com
Công ty luật Đức Tựu

Thay đổi người trực tiếp nuôi con

Câu hỏi: Tôi và chồng ly hôn được 2 năm. Tôi có một bé trai và một bé gái. Khi ly hôn tôi và chồng thỏa thuận bé trai do chồng tôi nuôi. Hiện tại, con trai tôi 10 tuổi và có nguyện vọng sống với mẹ vì chồng tôi thường xuyên nhậu nhẹt rồi không về nhà. Công việc thường ngày của chồng tôi cũng bận rộn không có thời gian quan tâm, chăm sóc con. Bé thường xuyên ở một mình và gần đây tình trạng học tập của bé xuống dốc. Bây giờ, tôi muốn đem con về nuôi và xin cấp dưỡng có được không?”

Trả lời: 

   Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận Luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật Đức Tựu. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

I. Cơ sở pháp lý.

- Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014;

II. Nội dung tư vấn.

 1. Về vấn đề thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn:

   Theo quy định tại Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân tổ chức bao gồm người thân thích, cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, hội liên hiệp phụ nữ, thì tòa án sẽ xem xét và có thể ra quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi con dựa trên quyền lợi của con.

"Điều 84. Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
1.Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.”

   Như vậy, bạn có quyền được yêu cầu tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con từ chồng bạn sang cho bạn.

   Trước hết, bạn và chồng của bạn nên thỏa thuận lại với nhau về vấn đề thay đổi quyền nuôi con. Việc thỏa thuận này phải xuất phát từ sự tự nguyện của hai bên, lợi ích của con và được thể hiện bằng văn bản.

   Trường hợp hai bên không thỏa thuận thống nhất được thì bạn phải chứng minh:

   - Thứ nhất, chồng bạn không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con như: không có thời gian ở bên chăm sóc, thường xuyên đi công tác để bé ở nhà một mình, không có thời gian dạy dỗ, giáo dục bé.

   - Thứ hai, hiện tại bạn có đủ điều kiện để nuôi dưỡng bé như: có chỗ ở ổn định, có công việc, thu nhập ổn định, đủ điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc bé cả về vật chất lẫn tinh thần.

   Ngoài ra, con trai bạn năm nay đã 10 tuổi, nên khi thay đổi người trực tiếp nuôi con Tòa án cũng sẽ xem xét nguyện vọng của bé.

2. Về vấn đề cấp dưỡng:

   Theo quy định tại Khoản 2 Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, sau khi ly hôn, cha mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Vì vậy, nếu chồng bạn không là người trực tiếp nuôi con nữa thì sẽ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

    Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do quý khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết được vấn đề hoặc/và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng.    
   Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 1900.0339 hoặc gửi qua mail: luatductuu@gmail.com để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Đức Tựu.
   Rất mong nhận được sự hợp tác!