Công ty Luật TNHH MTV Đức Tựu TPP

1900.0339 ducbdg@gmail.com
Công ty luật Đức Tựu

Quảng cáo không đúng sự thật bị xử lý như thế nào?

Câu hỏi: Nhiều người giả mạo lời dẫn của biên tập viên, ghép logo đài truyền hình vào video quảng cáo sản phẩm. Họ làm vậy để đánh lừa khách hàng rằng sản phẩm được đánh giá có chất lượng? Xin hỏi hành vi này có vi phạm pháp luật không và bị xử lý như thế nào?
- Quốc Khánh -

Trả lời:

   Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận Luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật Đức Tựu. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

I. Cơ sở pháp lý.

Bộ luật Dân sự 2015;
- Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017;
Luật Quảng cáo 2012;
Nghị định 158/2013/NĐ-CP;

II. Nội dung tư vấn.

   Theo Khoản 1 Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015, "Cá nhân có quyền với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải được sự đồng ý của người đó và phải trả thù lao cho hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác."

   Mọi hành vi sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại mà không được sự đồng ý của người đó là vi phạm pháp luật, và người có hình ảnh có quyền yêu cầu tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.

   Khoản 8 Điều 8 Luật Quảng cáo 2012 cũng quy định "Quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép" là một trong những hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo.

   Như vậy, việc tạo dựng lời dẫn của biên tập viên, gắn logo mạo danh đài truyền hình để quảng cáo của các đối tượng trên là hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo. Tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi mà đối tượng vi phạm có thể bị xử phạt hành chính. Nếu người quảng cáo gây ảnh hưởng dư luận xấu, ảnh hưởng tới uy tín của tổ chức sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng thì còn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi của mình.

   Về xử phạt hành chính.

   Hành vi tạo dựng lời dẫn của biên tập viên, cắt ghép logo, hình ảnh để mạo danh cơ quan, tổ chức khác có thể bị xử phạt từ 20.000.000 đến 30.000.000 đồng theo quy định tại Khoản 3 Điều 51 Nghị định 158/2013/NĐ-CP về Quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định: "Quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép, đồng thời buộc tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa đoạn quảng cáo vi phạm.”

   Về truy cứu trách nhiệm hình sự.

   Trong trường hợp người có hành vi quảng cáo gian dối đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì có thể có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội quảng cáo gian dối theo quy định tại Điều 197 Bộ luật Hình sự 205 sửa đổi, bổ sung 2017. Theo đó, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.

   Trong trường hợp khách hàng xem đoạn quảng cáo và tìm đến mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ ở những nơi quảng cáo sai sự thật với số tiền lớn, họ có thể làm đơn tố cáo về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của cá nhân, tổ chức đó gửi cơ quan công an.

   Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do quý khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết được vấn đề hoặc/và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng.

   Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 1900.0339 hoặc gửi qua mail: luatductuu@gmail.com để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Đức Tựu.

   Rất mong nhận được sự hợp tác!